Ông
Đạo Vỉa Hè Ông đạo. Hai từ ngữ khả
kính đó đúng với những vị chân tu, riêng Ông - đạo - Vỉa
- Hè thì chẳng ăn nhậu với tôn giáo nào cả,
không dây mơ rễ má với giáo phái nào cả! đơn giản là
nhìn cái tướng người đàn ông ngũ thập tri thiên mệnh
giống như một ông đạo thì Vỉa hè gọi là
ông đạo. Ông đạo tuổi mùi, sinh năm 1955 tại Phú Quốc.
Ông cụ thân sinh ra ông đạo làm việc trên đảo cho cho
chính quyền Tổng thống Thiệu, bà cụ thân sinh ra
ông đạo là cô giáo. Xuất thân của ông đạo có chiều
sâu hơn là bên nội từ Bắc di cư vào, ông nội của
ông đạo là một nhà Nho và bên ngoại cũng rất dư chữ
nghĩa. Ông ngoại của ông đạo lại từng đi du
học bên Tây về nên ông đạo được tiếp xúc với
văn hóa đông - Tây, được giáo dục đề huề từ nội,
ngoại khi còn rất trẻ. Cứ tưởng tượng
ông là con đầu lòng, cháu đích tôn của hai giòng họ
môn đăng hộ đối thì kiến thức phải biết,
uyên bác của ông đạo đã sẵn sàng thành nhơn đáng kính
trong thiên hạ. Ai dè! Quốc biến xảy ra khi ông đạo
đang học năm thứ hai ở đại học Văn Khoa
Sàigòn. Giấc mơ làm người của ông đạo tan theo
mây khói. … Trả lại em yêu khung trời
đại học… Từ gĩa bạn bè, ngôi trường thân
yêu, con đường Duy Tân cây dài bóng mát… những con đường khác
với quê ông mà người ta gọi là Sàigòn. Ông đạo về
đảo với gia đình sau cơn quốc biến. Bên ngoại
đã ra khơi vì ông ngoại là người theo Tây học -
thoáng rộng, kẹt cái ông nội bảo thủ nhà Nho nên
gia đình mới kẹt lại Việt Chính quyền địa phương trên đảo
gọi ông đạo lên Uy ban để thi hành công vụ tạp dịch
cho bõ ghét! Ông đạo ngậm đắng nuốt cay - thế
thời. Một bạn hữu của mẹ ông đạo bên
ngành Giáo dục, kéo ông đạo qua bên Giáo dục để làm thầy
giáo, gõ đầu trẻ. Ông đạo bằng lòng với
13 kí gạo, cộng nhu yếu phẩm (nửa kí thịt
heo, đường, xà bông…) mỗi tháng, đem về phụ giúp gia
đình trong lúc sa cơ. Chờ thời. Lại chính quyền địa
phương sách nhiễu, không để yên cho ông đạo tu la-ve. Họ
kiểm điểm ông đạo về việc dạy học
không đúng chương trình quy định. Tư tưởng không thông về
đường lối chính sách… Tóm lại, họ đang cần người
đưa đi chiến trường Tây bắc; Tây nam. Ông Bí thư chi bộ
địa phương xác quyết với ông đạo là ông đạo đi
Nghĩa vụ quân sự
thì chính quyền địa phương gởi đơn kiến
nghị khoan hồng lên Trại cải tạo để xin cho
cha ông đạo về sớm - lo gia đình. Vậy là ông đạo lên đường
vì chữ "hiếu". Nhưng than ôi! Cha vẫn biền
biệt sơn khê còn ông đạo ê chề không kém. Lý lịch
ông đạo không đủ tư cách cầm súng nên người ta nhận
vô tay ông đạo cây cuốc để tăng gia sản xuất nuôi
quân. Có khi trao vô tay ông đạo cái leng ống để đào kinh đắp
đập trên những nông trường Thanh niên xung phong. Ông đạo
đã không còn dáng vẻ thư sinh như ngày nào bởi đồng
chua nước mặn, cái ăn cái mặc bây gìơ đều là xa
xỉ đối với một người sa cơ lỡ vận.
Ông đạo sống thầm lặng với mưu toan thâm u trong
đầu là chờ ông gìa về, sau đó… "dông". Ông đạo
sợ đưa gia đình "vọt" sớm thì chính
quyền mới lại trút giận lên cụ thân sinh đang
trong Trại cải tạo. Cứ lẩn quẩn trong cái
khó bó cái khôn, mỗi lần về phép thăm nhà, ông đạo xót
xa thêm với gia cảnh của mình nhưng ráng 'nhẫn'
để đợi cha về rồi tính! Chuyện gia phong xa xút bởi
những nguyên nhân khách quan chứ bề trong thì gia đạo
vẫn vững. Ông đạo luôn tự hào về nề nếp
gia đình, đặc biệt là bà cụ thân sinh ra ông đạo,
người mà có khi thấp thoáng trong thơ ông như một giai nhân,
có khi là hiện thân của Phật Bà Quan Am mà ông là chúng sanh
đang khổ nạn. Trích đaọ luận của ông thì
rõ: "Cái bao tử không no thì người ta sẽ
kiếm củ khoai, con cóc, con nhái… đỡ dạ, nhưng trái tim
nhạy cảm của ông, không có mẹ thì hỏng! (Hỏng
mẹ nó rồi từ khi Phật bà bỏ lại chúng sanh
vì cơ cực đã đưa người về cõi Phật)".
Chỉ có mẹ là người thấu hiểu và chia sẻ tới
tận cùng của những tháng năm không quên. Những năm
tháng cơ man trên nông trường Thanh niên xung phong, có lúc ông nhớ
mẹ da diết, nhớ nhà, nhớ đảo… người
tình học trò đã chết ngắc trong ông khi
ông chỉ còn là người nông dân biết đọc,
nhìn về Sàigòn thấp thoáng em yêu trong vành nón tai
bèo - thời cơ chủ nghĩa, lòng ông không sinh hận
nên càng buồn hơn. Ông nhớ không ít là con chó Phú Quốc của
gia đình mà ông luôn coi là người bạn nhỏ, người
bạn của tuổi thơ không còn nữa. Sau cuộc bể
dâu, Ông đạo dồn hết tình yêu còn lại cho
đôi vai gầy và đôi mắt sâu của mẹ, nhưng lòng
tin ở con người thì ông đặt hết vào con chó, bởi
đảo quốc quê ông chỉ có con chó không trở mặt -
thay lòng đổi dạ với ông. Nói về con chó Phú Quốc
nói chung; con chó của gia đình nói riêng, ông đạo nói với
hết lòng thương kính một sinh vật trí dũng song
toàn, đặc biệt là tình cảm và lòng thủy
chung vô bờ của trái tim - bốn chân. Ngoài mẹ và con
chó, ông còn bao nhiêu tình cảm, ông cho hết vào hũ
nước mắm - đặc sản quê nhà. Tóm lại: Mẹ,
con chó và nước mắm Phú Quốc vững như kiềng ba
chân, bất di bất dịch trong thương tâm ông đạo. Ông thường nói trên bàn nhậu,
nói về nước mắm Phú Quốc như người Quảng
nói về mì Quảng. Không cần diễn giải cũng
rõ: Nước (H2O) của xứ Quảng mới làm ra được
sợi mì Quảng chánh hiệu. Nước chỗ khác
(Sàigòn, đà Lạt…) chỉ làm ra những sợi mì
Quảng… lai. Trở lại với ông đạo và nước mắm
Phú Quốc, lon bia đầu thì người ta cho cá và muối
vào lỗ trù, vài hôm nước mắm nhỉ ra lỗ lù… gọi
là nước mắm nhỉ. Nước mắm của chàng thư
sinh Văn khoa rất ư là khó hiểu! Vài lon thì chẳng biết
cho cá với muối vào lỗ nào và nhỉ ra lỗ nào? Nên
chung cuộc nhậu thì ông mang tên: "Ông đạo
Lù". Chỉ dễ hiểu là "áo mẹ mùi nước mắm
/ thơm mơ con đêm dài". Tôi nhớ lõm bõm thơ ông khi
nghe mùi nước mắm! Ai nói nước mắm hôi là kẻ thù
không đội trời chung với ông đạo. Tóm lại vậy
đi cho dễ bề sổ sách. Ông thề với lòng sẽ
nhớ đến chết mùi nước mắm quê ông cũng chính
là mùi áo mẹ phụ bà ngoại nấu nước mắm cho
nhà ăn, có dư thì cho, bán lại theo lối trao đổi sản
phẩm thủ công với bà con lối xóm để cải thiện
bữa cơm gia đình. Và đó là thứ nước chấm vô địch
trên đời, cũng là để đấu với mì Quảng
của cô gái Quảng đã tranh luận không lại ông
(mì Quảng và nước mắm Phú Quốc, cái nào mới
là đặc sản quê hương trong lòng người viễn xứ?)
Cô ta tranh luận thua rồi xử hèn là bỏ ông đạo bơ
vơ trên giòng đời nghiệt ngã tha hương. Sự hiện
diện của người đẹp xứ Quảng trong thơ ông
không mặn mà như nước mắm: "…tìm một nửa
giạt trôi hoài không gặp / có một lần đã gặp
chẳng thành nguyên / hồn tôi ba góc là điên / phần còn
lại mãi triền miên tìm người". Thì
ra người tình trọ trẹ chưa phải là nửa mà
ông đạo đi tìm, phải mở ngoặc là tìm
trong vô vọng. đời ông đạo không bao gìơ còn được
ăn thứ nước mắm nấu ra từ tình thương biển
cả của hai người nữ mà ông kính yêu nhất trên đời
là mẹ và bà ngoại. Cũng như tình ông đạo, không hề
thuộc về người đẹp… hay cãi. Dù người
đã đi, ừ nhỉ người đi thật! Có một giai
nhân nào đó trong tim ông? "Giai nhân tìm hoài không gặp".
Thứ, thứ hai đáng nhớ nhất trong lòng ông là con
chó Phú Quốc, con chó của gia đình. Một lần ông
về thăm nhà, bà nội ông đã nói: "Con chó gìa của
gia đình cũng là người bạn nhỏ của ông đang
lâm trọng bệnh, nhưng có lẽ nó đợi ông đạo về
để nói lời vĩnh biệt mới cam lòng ra
đi." Và đúng là con chó ứa nước mắt, ứ ứ lên
vài tiếng lúc ông về đến nhà. Nó ra đi không oán than thân phận
hay thời thế gì nữa! Nó bị bộ đội bắn
bể bụng đã hai hôm, vậy mà cố lết về
nhà để chờ ông đạo chứ nhất quyết không làm
rựa mận cho bộ đội cụ Hồ. Còn ông
như linh tính được gia đình có chuyện nên mò về.
Không ngờ chỉ là chuyện con chó bị nạn, nhưng
trong suy nghĩ riêng ông thì viên đạn AK đã sốc
thẳng vào trái tim, óc não người trí thức trẻ. Ông đạo đem theo con chó Phú Quốc
con (con của con chó gìa đã chết) làm bạn trên
những bước đường lưu lạc trong màu áo Thanh niên xung
phong và vành nón tai bèo, "đôi dép râu giẫm tan đời trai trẻ
/ vành nón tai bèo úp gọn cả tương lai". đời người
thanh niên xung phong đã không đủ ăn thì lấy
gì cho chó ăn? Nhưng trong hoàn cảnh nào của cuộc sống
cũng có những tấm lòng nhân hậu - chính là chị
nuôi (người nữ nấu cơm) của đại đội. Cô Yến
thường lặng lẽ chia cho con chó con nửa phần ăn của
cô trong lén lút vì không có lý do gì mọi người
luôn luôn đói mà con chó được ăn. Con chó trên nông trường chỉ
có một quyền hạn duy nhất là trở thành thức
ăn cho con người bằng chính thịt xương của nó. Ông đạo
thường nói về "cuộc tình chó con của
tôi" bằng hết lòng trân qúi, tha thiết. Nước
mắt ông không nhỏ với cường quyền, bạo lực
để không tiếc với tình người nhân bản. Tôi
thường đùa để giấu giọt rơi nhưng trong sâu thẳm
của tâm hồn đa-hệ-lụy, tôi thương ông lắm! Chuyện
ông đạo kể: "Cô Yến mới tròn 19 tuổi,
cha là đại úy Biệt động Quân, chết trận trong chiến
tranh năm '74 khi cô Yến mới 13. Sau khi hòa bình lập
lại, mẹ cô đi thêm bước nữa với một người
cán bộ ngoài Bắc vào. đó là lý do cô Yến bỏ nhà
đi Thanh niên xung phong để thể hiện sự đối kháng
người sống; tấc lòng trung với người
đã chết trong gia đình cô Yến, làm ông đạo kính
nể. Ở nông trường, cô Yến học
ông đạo về văn hóa - tư tưởng, ngoại ngữ…(Anh,
Pháp gì ông cũng đọc thông viết thạo, lại
giỏi Hán văn) kể ra, kiến thức ông uyên thâm. Ong học
cô Yến về lòng vị tha, tính thương người, thương
súc vật. Con chó được cô dẫn đi tắm mỗi chiều
ngoài bờ kinh, tối được ngủ trong hơi ấm của
người con gái mà ông đạo rất… thương thầm. Ông thường
thấy hạnh phúc thấp thoáng qua bờ vai, mái tóc của
cô trong những giấc chiêm bao nửa đêm về sáng và thường
tan biến theo sự cào cấu của cái bao tử lép trong
những đêm nông trường không ngủ. Có một thời như
thế! Thường là câu kết luận của ông đạo khi
nói về qúa khứ xa xưa. Mùa Xuân năm ấy, đến. Cô Yến
được đơn vị cho về nhà ăn Tết. Khi đi, cô đã dặn
dò rất kỹ: "Anh phải trông… con. Coi chừng…
'ma qủy' ăn thịt nó! Em có phép hai tuần, nhưng về thăm
ngoại em chừng một tuần là em trở lại!...
" Ông đạo thêu dệt biết bao nhiêu mơ tưởng trong đầu.
Nào là… anh phải trông "con" mà không có chữ
"chó". đứa con trời cho hai người… ý nhị
vậy sao?! Nào là em có hai tuần phép nhưng đi một tuần
là trở lại! Cô cho ông một tuần đấy chăng?! Một
tuần lập lờ như dấu chấm than (!) biết phải
hiểu sao đây? Những giấc mộng lứa
đôi làm lôi thôi ông đạo. Ông bất an trong lòng nên theo bạn
bè đi nhậu cho khuây khỏa khát khao, nhất là không khí Tết
đã đưa vô nông trường những lọn gío se se đông - xuân
nhớ nhà. Đi nhậu
cũng tới lúc hết tiền. Nửa đêm mò về
doanh trại trong men say, không thấy con Phú Quốc, ông đạo
linh tính được chuyện không lành nên đi kiếm nó. Mùi rượu
thịt dẫn đường ông đạo đến ngay chỗ ở
của tên đại đội trưởng. Hắn cũng chếnh
choáng nên quyền uy tăng lên gấp bội, hắn tự cho
mình quyền thanh lý con chó của con Yến chứ
không phải của ông đạo. Lý do đơn giản là con
chó chẳng làm được gì ngoài việc hao tổn lương
thực của nông trường, đã có người thấy cô
Yến lén cho con chó ăn bo bo của tập thể. Ông đạo
cũng chếnh choáng nên không kiêng dè gì nữa! Ông bửa
vào đầu tên đại đội trưởng một cây xẻng,
cán xẻng gẫy đôi đủ biết sức lực
bình sinh của thư sinh đã dồn hết như
lòng căm phẫn. May là nó không ngờ ông dám, chứ nó có
AK. Số ông đạo kể ra cũng còn lớn. Hậu quả là ông đạo bị nhốt tù.
Hai hôm sau, kẻ cả gan ăn thịt "đứa con tinh thần"
của chuyện tình ông đạo không chết nên ông được
ra tù nhưng đi đầy thì đúng hơn là thi hành lệnh thuyên chuyển.
Ông đạo không có quyền chờ cô Yến trở lại để
nói lời nào. Một chút tự do cuối cùng cũng
đã mất vì từ lúc quay đi, ông đã thành lao
công chiến trường ở mặt trận Tây nam. Cuộc
tình trong mơ đã chết theo con chó của hai người
vì ai cũng thấp cổ bé họng. Hai năm phiêu bạt phương trời
Tây nam đầy súng đạn và chết chóc. Ông đạo về lại
nông trường Nhị Xuân để tìm người xưa nhưng
không còn đó nữa. Trước lúc ông đạo lên đường vượt
biển, ông đi Lâm đồng với hy vọng mong manh tìm
được nhà cô Yến, nhưng ý trời không thuận. đành. Cuộc tình tàn… cuộc
tình quá đớn
đau… *** Hai năm trước, ông đạo về
quê du lịch ngay trên quê hương mình. Lý do thăm bà con
còn trên đảo là phụ. Lý do chính, đích thực
trong lòng là ông đạo nhớ con chó Phú Quốc, nhớ
người xưa nay đâu? Ông lại đi Lâm đồng trong hy vọng
mong manh như người sắp chết đuối ngoài khơi bám vào
rong biển! Biết là vô vọng nhưng cứ hy vọng như để
khẳng định sự yếu đuối của lòng dạ
con người. Những tâm sự trước lúc ông đi Việt
Nam, tôi còn nhớ rõ lắm. Ông tâm sự với
tôi trong bữa nhậu mừng sinh nhật ông đạo năm
mươi. Chưa bao giờ ông quên hình ảnh cô Yến, càng
gìa càng nhớ cô cũng là lý do ông không lập gia
đình, chỉ mèo mả gà đồng theo nhu cầu sinh
lý chứ tình yêu trong ông vẫn vẹn câu thề.
Tôi hứng sảng hôm đó mà 'phang' ông đạo mấy câu:
"Hôm nay sinh nhật nửa đời / năm mươi năm ấy
lòng chơi vơi buồn / cớ chi phải rõ ngọn
nguồn / nâng ly ta cạn nỗi buồn chơi vơi." Tôi say
nên mới hỗn chứ nào gìơ có mà dám ra thơ trước mặt
ông đạo, học ông không hết. Lúc men say túy lúy hay trà thơm
lâng lâng… ông đạo dịch thơ đường cho mà nghe, hồn
Lý Bạch u u trong đáy cốc, có khi tôi tưởng
mình đang ngồi đối ẩm với Bạch Cư Dị
tái sinh. Nhưng ông đạo bình dân trốn thuế Văn chương
nghĩa là không ló mặt trên Văn đàn hải ngoại, ít ai biết
thực tài của một cao nhơn ẩn dật ngoài vỉa
hè và chỉ vui thú… chửi thề. Ông làm người khách lạ
đi lên đi xuống những hôm trời thấp thật gần
mà thơ phú lăng nhăng, tôi không quên tài xuất khẩu thành thơ của
ông được bởi thực tài ông có. Phần Văn học chính
quy của ông thì qúa cao thâm đến tôi chưa đủ nội
công thẩm thấu; phần Văn học vỉa hè của ông
lại qúa thừa dư chất phàm đến điếc con ráy người
nghe. Từ hôm trở lại Mỹ
với con chó Phú Quốc bé bỏng, (ông tốn khá bộn tiền
hối lộ cho phía Việt Nam; khá vất vả với
phía Mỹ vì phải đưa con chó đi chích ngừa đủ thứ
mới được vào Mỹ). Khi đâu vào đó, ông đặt tên cho nó là
Yến. Những người ngoại quốc quen biết chúng
tôi đều ưu ái gọi con chó là Yen. Với họ chỉ là một
'dog name' như những 'dog name' nhưng với tôi thì khác! Với
ông chắc khác hơn nhiều. Những bữa trà rượu tàn,
nghe ông hỏi nó: "muốn về chưa cưng?" Tôi không khỏi
bồi hồi với người bạn mà tôi rất nể
trọng. Hai năm thời gian đã trôi qua lặng lẽ,
không nghe ông nhắc về cô Yến, nữa. Tình xưa,
người xưa… ông trút vào con chó con ngổ nghịch. Nay nó phổng
phao như chàng hiệp sĩ. Ngực nở, bụng thon, tướng
mạo oai phong lẫm liệt nhờ cái bờm dài từ
ót xuống sống lưng như bờm ngựa. Giống chó Phú Quốc
là giống chó khôn và đẹp nhất trong những giống
chó của Việt Nam, tôi đồng ý với ông điều
đó. Ông đạo kể tôi nghe về sự lém lỉnh của
con Yen: Nó theo ông dạo bộ buổi chiều trong khu phố
nhà ông ở, thỉnh thoảng gặp nàng chó nào xinh xinh, nó
lơ ông mà đi tán gái. Ông luận về tâm sinh lý động vật
cho tôi nghe rất khoa học. Ngoài cái ăn, cái ở của hai
động vật hai chân và bốn chân, sự còn lại
rất ư bình đẳng. Ông nghĩ về việc con Yen
đã trưởng thành. (Nuôi con chó. Ngoài việc không nghĩ đến
đi mua trái dừa khô và gói ngũ vị hương, con người cũng
cần nghĩ đến nhu cầu sinh lý của nó, mới
là người biết nuôi chó vì nó cũng là một động
vật hữu nhũ, có nhu cầu như con người.) Từ đó, ngày chủ nhật
thường thấy ông đạo mày râu nhẫn nhụi áo quần
bảnh bao, dắt chó ra công viên tản bộ. Khi thấy một
nàng chó nào xinh xinh, ông đạo gỉa lơ ngồi nghỉ mệt,
đọc báo trên một ghế đá công viên. Con Yen hiểu ông như
ông hiểu nó, nó tà tà đi tán gái rồi dắt thiên hương vào lùm
hoang, bụi rậm… Khi nó hể hả quay về với chủ
thì ông đạo đi nhậu với bạn bè, coi như xong một
cuối tuần mà chủ và chó đều mỹ mãn. Lúc
này, ông thường kể trên bàn nhậu về việc hai thầy
trò mưu đồ ngoài công viên. Có khi ông chọn cho con Yen một
nàng bé bé, xinh xinh. Con Yen không thèm tán mà đi tán một nàng vĩ
đại over weight thuộc giống phàm ăn tục uống làm
ông giận nó, treo gìo một tuần không cho ra công viên. Đã
thành thói quen, thông lệ, sáng chủ nhật là con Yen bấn
xúc xích đòi đi nên sáng chủ nhật đừng gọi ông đạo,
ông còn đưa con Yen đi hái hoa đồng nội. Muốn gọi
ông phải sau ngọ. Hôm tân gia ở
nhà một ông bạn Vỉa hè, khác. Gọi mãi không được
ông đạo trả lời điện thoại, gia chủ tức
qúa nên phán rằng: "Tiên sư cái lão đạo Lù, lúc này bỏ
nghề làm nước mắm. Hắn chuyển nghề đạo
Dụ rồi các ông ạ!" Từ đó, ông đạo Lù được
mang tên mới là ông đạo Dụ. Hai thầy trò ông đạo
cứ lang thang ngoài những công viên đến con Yen thỏa
mãn thì ông đạo mới nghĩ đến mình
là đi tìm anh em, bạn bè mà cù cưa lon bia cuối tuần.
Nhưng đi đêm mãi cũng có ngày gặp ma. Ông đạo thấy
một nàng Marie dog quá xinh của bà Mỹ gìa vừa tới
công viên. Nàng Marie trắng muốt, mắt long lanh đa
tình, thắt nơ đỏ có cái chuông vàng bé bé, xinh xinh… ông thấy
con Yen nhìn chảy rãi. Ông làm ngơ đọc báo, tay vô
tình tháo khóa xích cổ cho con Yen chạy chơi! Ông vui thú chữ
nghĩa của ông để con Yen không mắc cỡ, nó từ
từ xa ông đi gù gái. Bà gìa Mỹ lim dim hưởng ánh nắng
vàng nên cũng lơi tay xích nàng Marie. Thế là chuyện đến
phải đến! Kẻ cắp gặp bà gìa. Con Yen sướng
rơn ư ử, nàng Marie gặp hiệp sĩ Phú Quốc, hiệp
sĩ Yen ngực nở, bụng thon, tình trường lịch
duyệt… nàng ăng ẳng khúc thụy du. Bà gìa tỉnh cơn say nắng
vàng, la bai bải. Ông đạo ngồi nghiền ngẫm sự
đời gía được vô tư như chó! Bây gìơ, sự thể
không đơn giản giữa kẻ
cắp với bà gìa, này. Ông đạo xin lỗi giùm con
Yen, tính đường “chẩu là thượng sách” nhưng bà gìa nhất
định không chịu. Bà gọi cảnh sát. Cô cảnh sát đến lập
biên bản theo lời đời đề nghị của bà cụ,
tay cô loay hoay cây viết mà chẳng biết viết gì?
Trong đời cảnh sát, cô chưa từng lập biên bản kiểu
này. Cuối cùng, cô thay mặt ông đạo, xin bà cụ bỏ
qua cho con Yen. Bà cụ này kỳ thị chủng tộc cả
với chó. Thứ nhất, bà bắt thường phải đưa
nàng Marie dog đi Dog shop tắm gội lại, thắt nơ lại
cho ra dáng tiểu thơ con nhà vì anh chàng Yen-Phú quốc bạo
quá! Quần con nhỏ tơi bời hoa lá, sình đất tèm
lem. Thứ hai, phải đưa đi Animal doctor vì bà không tin con
Yen không bị bệnh gì! Nhất là bệnh thời đại!
Ghê chưa? Sau hai tuần mệt bở hơi
tai và tốn tiền lãng nhách với bà cụ khó tính.
Tưởng mọi chuyện đã êm vì kết qủa
xét nghiệm của con Yen vô cùng lý tưởng. Nhưng họa
vô đơn chí, tới đây bà cụ lại nghĩ ra chuyện động
trời - nhỡ con chó cưng của bà có bầu thì sao?
Bà thuộc phái chống phá thai mới là rắc rối cho
chàng Yen háu gái. Và quan trọng
nhất là việc con chó cưng của bà lần đầu bị
xâm hại tình dục. Chết cha ông đạo với cái
ngàn vàng chó cái! đường cùng. Ông cầu cứu
cô cảnh sát cứu nguy bởi ông hy vọng hai người
đàn bà Mỹ trắng nói chuyện với nhau sẽ dễ
hơn ông. Bà cụ ghét con Yen và có vẻ kỳ thị luôn cả
ông. Nhưng luật trời giành cho người đàn ông là đối diện
với hai người nữ, người đàn ông hiền lành sẽ
được người nữ đẹp hơn thương mến. Cô cảnh
sát không những trò chuyện để đi đến bồi
thường ngoài Tòa cho bà cụ chịu xé biên bản. Cô
thương con Yen mạnh mẽ nên nghĩ chủ nó cũng vậy
hay sao mà thương luôn ông đạo! * Tới đây. Kể chi nữa cho
mất hay! Mà không kể thì làm sao kết thúc có hậu
theo truyền thống văn chương vỉa hè? Nên miễn cưỡng
soi mói vào đời tư ông đạo chút nha, tiên sinh. Cô cảnh sát sống một
mình nơi apartment vì ai dám cặp bồ với cảnh
sát ngoài ông đạo? (Riêng tôi ư? đẹp cỡ nào mà dắt cái
còng số 8 sau lưng là tôi tránh. Tôi không ớn cây súng kè kè
bên hông vì ở Mỹ không phải muốn bắn ai
thì bắn bừa như bên Trung đông. Nhưng còng ẩu
thì có à nha!) Trở lại với ông đạo. Trước
là ông đưa con Yen đến thăm con cưng của cô cảnh sát cũng
không kém phần nhan sắc so với nàng Marie dog đã làm
hai người xa lạ thành quen, rồi thân, rồi… hai con chó
quấn quýt với nhau ngoài sân thì hai chủ nhân
không quấn lấy nhau trong nhà sao đặng! Bản năng gốc
trong ai chả có trước đồng loại. Cô không ngại
con chó cưng của cô có bầu vì cô thương con Yen, nhưng ông đạo
ngại cô cấn thai thì bỏ bu vì cô không thích
bài tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt, trời không
mưa anh cũng mặc áo mưa. Ông đạo dở khóc dở cười. PHAN main menu |